Gửi các thầy cô giáo và quý phụ huynh VTS,
Khi tiếp cận học sinh, giáo viên luôn cần thấu hiểu rằng mỗi học sinh đều có cuộc sống, mong muốn, sở thích, khó khăn và thế mạnh hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, sẽ không có một phương pháp giảng dạy nào phù hợp với tất cả học sinh, và đồng thời sẽ không có lớp học nào diễn ra theo cùng một cách giống nhau qua mỗi ngày.
Với thầy cô VTS, nghề giáo là một nghề đòi hỏi sự đổi mới liên tục, và chúng ta cũng có thể học hỏi được nhiều điều từ việc tìm tòi và tham khảo các phương pháp giảng dạy ở những lĩnh vực ngoài chuyên môn khác. Chúng ta cũng nên lưu trữ nguồn tài liệu và phương pháp giảng dạy đã từng được áp dụng thành công trước đây và có sự chuẩn bị cho những tình huống ngoài dự kiến.
Một phương pháp phổ biến mà các giáo viên VTS đã áp dụng đều thấy hữu ích trong hầu hết mọi tình huống – Phương pháp phản xạ. Đây là phương pháp dựa trên tiếp cận về khả năng thấu hiểu nội dung thường được áp dụng ở nhóm người học nhỏ tuổi và người mới bắt đầu, mặc dù vẫn có thể được áp dụng với bất kỳ học sinh nào.
Ở phương pháp này, giáo viên cung cấp cho học sinh ngôn ngữ cần phải học, và học sinh sẽ phản hồi lại bằng ngôn ngữ cơ thể theo hướng dẫn. Giáo viên cũng thường mô tả ngôn ngữ bằng cử chỉ và động tác để học sinh có thể hình dung và bắt chước theo. Tất nhiên, phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất ở một vài tình huống nhất định.
Phương pháp thứ hai mà giáo viên VTS luôn thấy hữu ích là đặt nhiều câu hỏi mở cho học sinh. Phương pháp này thường được áp dụng đối với học sinh lớn hoặc có học lực khá giỏi. Trong thực tế cuộc sống, không có cuộc trò chuyện nào sẽ lặp lại y nguyên những mẫu câu từ sách giáo khoa. Điều này càng khẳng định vai trò của giáo viên trong việc khơi gợi và mở rộng vốn kiến thức cho học sinh và giúp học sinh phát triển thêm những kỹ năng tư duy nâng cao, cụ thể như kỹ năng dự đoán.
Thầy cô VTS cần có một bức tranh toàn cảnh về học sinh, bao gồm mục tiêu cuộc sống, khả năng trưởng thành và phát triển thực tế, và bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến hành vi hoặc khả năng tham gia học tập của các em. Là giáo viên, chúng ta đều cần phải dạy học phân hóa, tức là: không ngừng cải tiến nội dung, quá trình, sản phẩm, môi trường hoặc các bài đánh giá để phù hợp nhu cầu của từng học sinh. Vì chúng ta hiểu rằng học sinh dù học cùng một chương trình, cùng lớp, hoặc thậm chí ở trong cùng gia đình cũng sẽ không giống nhau hoàn toàn, nên chúng ta luôn phải điều chỉnh nội dung giảng dạy linh hoạt trong từng tiết học.
Giáo viên còn có thể hướng dẫn học sinh thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người với nhau. Bởi con người sẽ trở nên vững vàng hơn khi chúng ta hiểu được đam mê, những thay đổi trong cảm xúc hoặc hành vi của chính bản thân mình. Tất nhiên, sự khác biệt vẫn chưa hoàn toàn được tôn trọng một cách cởi mở ở cả thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần hiểu rằng, khác biệt không phải lúc nào cũng có nghĩa là “tốt hơn” hay “tệ hơn”.
Chúng ta học tập hiệu quả nhất từ việc chiêm nghiệm những lỗi sai của mình. Tất nhiên chúng ta không thể suy ngẫm về những sai lầm mà chúng ta chưa từng mắc phải. Chúng ta cần đặt những câu hỏi có tính gợi mở suy nghĩ và dạy học sinh cách tìm lời giải với những vấn đề nhiều thử thách hơn. Ở ngoài lớp học, thất bại, thất vọng và bối rối là những điều mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua. Học sinh cần có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc đó để chuẩn bị vững vàng trước khi va chạm với cuộc sống.
Khi đặt câu hỏi cho học sinh, với cương vị giáo viên, chúng ta phải làm quen với việc chứng kiến học sinh trải qua khó khăn và thất bại trước khi đi đến thành công. Nếu học sinh chỉ trả lời được những câu hỏi nhất định theo một cách diễn đạt cụ thể, hay phải chờ gợi ý chữ đầu tiên từ giáo viên, thì các em sẽ khó có thể sử dụng được ngôn ngữ đó bên ngoài lớp học. Chỉ sau khi học sinh có thể làm một việc gì đó một cách độc lập, không cần sự nhắc nhở, thì đó mới được coi là thấm nhuần kỹ năng.
Ngoài ra, trong cuộc sống có rất ít vấn đề dễ dàng được giải quyết chỉ qua việc ghi nhớ từ sách giáo khoa hoặc sách hướng dẫn. Ghi nhớ – đặc biệt thông qua các công cụ như mẹo nhớ, có một vai trò vô cùng quan trọng trong lớp học. Tuy nhiên, ghi nhớ không giống như sự lĩnh hội, và không phải cứ nhớ nhiều thì sẽ làm tốt trong những tình huống bất ngờ. Giáo viên luôn cần lưu ý rằng chúng ta không chỉ chuẩn bị cho cho học sinh vượt qua các bài kiểm tra chuẩn hóa, mà quan trọng hơn là biết cách chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, và trở thành những con người hữu ích trong cộng đồng. Không dễ để đoán trước được tương lại, nhưng hơn bao giờ hết, thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Học sinh phải rèn luyện tư duy cho bản thân vì không phải lúc nào các em cũng có giáo viên hoặc cha mẹ kề bên để hướng dẫn cách phản ứng phù hợp.
Chúng ta thường cảm nhận rằng sẽ thật dễ dàng nếu nhìn nhận học sinh ở khía cạnh tập thể. Nhưng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều khi chúng ta có thể đồng thời xem mỗi em như những cá thể khác biệt có hướng đi riêng trong cuộc sống.
Sẽ không có câu trả lời hoàn hảo nào cho cả giáo viên và học sinh trong hầu hết các tình huống trong cuộc sống. Nếu chúng ta cho rằng tất cả các học sinh đều giống nhau thì chúng ta đang bỏ qua những điểm mạnh riêng có thể giúp các em tự tin hơn và phát huy chúng. Tệ hơn, nếu chúng ta bỏ qua những điểm yếu và sẽ tước đi cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân của các em thông qua giáo dục.
Cuối cùng, giống như hầu hết các câu hỏi mở, có nhiều cách để trả lời về mục đích của giáo dục và những đổi mới giáo dục sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta – với cương vị là giáo viên, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chúng ta phải nhớ rằng, bây giờ đây trong khi đang chuẩn bị bài học hôm nay cho học sinh, bài kiểm tra tuần này, hay bài kiểm tra IELTS tháng tới thì chúng ta đang làm nhiều hơn thế. Mỗi ngày, chúng ta đang chuẩn bị hành trang cho cuộc đời của các em học sinh VTS thân yêu!